Thông tin vỀ luẬn án tiẾn sĩ
1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Mai Hiên 2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 17/04/1971 4. Nơi sinh: Hạ Long, Quảng Ninh
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số:1928/QĐ-CTHSSV, ngày 30 tháng 11 năm 2028 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Chỉnh sửa tên đề tài tạiQuyết định số 1808/QĐ-ĐHGD ngày 25/07/2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN; kéo dài thời gian học tập lần 1 tại Quyết định số 2094/QĐ-ĐHGD ngày 23/11/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN; kéo dài thời gian học tập lần 2 tại Quyết định số 2210 ngày 29/11/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN.
7. Tên đề tài luận án: Sức khỏe tâm thần và chiến lược ứng phó của người chăm sóc trẻ bại não
8. Chuyên ngành: Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên
9. Mã số:91310401.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS. Bahr Weiss và PGS.TS. Trần Văn Công
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Có lẽ cho đến giờ, chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe tâm thần, các yếu tố liên quan và chiến lược ứng phó của người chăm sóc trẻ bại não, nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật ở trẻ em, ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng và chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như của gia đình.Luận án góp phần bổ sung khoảng trống kiến thức và là một trong những cơ sở có giá trị để định hưởng các giải pháp hỗ trợ nâng cao sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống của nhóm người dễ bị tổn thương mà hiện vẫn chưa được tập trung chú ý.
- Về thực trang sức khỏe tâm thần của người chăm sóc trẻ bại não: Dựa trên kết quả thang đo sàng lọc cộng đồng, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu của người chăm sóc chính trẻ bại não trong mẫu nghiên cứu là 37,1% và 67,8%, tỷ lệ đồng mắc trầm cảm và lo âu là 36,8%. Tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ mắc của quần thể nói chung. Chất lượng cuộc sống của người chăm sóc ở một số khía cạnh cũng bị ảnh hưởng đáng kể như 77,1% người chăm sóc báo cáo không có/ít có cơ hội tham gia các hoạt động giải trí, 57,6% không/ít tận hưởng cuộc sống và 34,7% cảm thấy cuộc sống không/ít có ý nghĩa. Lý do chính của các vấn đề nêu trên theo ý kiến của người chăm sóc chủ yếu liên quan đến bản thân họ như không có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, sức khỏe cá nhân không tốt, quá nhiều việc phải làm, không có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội. Các lý do bên ngoài liên quan đến gia đình, về kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng theo họ nói không phải là chủ yếu.
- Về cách thức ứng phó với áp lực chăm sóc trẻ bại não: người chăm sóc có xu hướng sử dụng chiến lược ứng phó tích cực hơn là tiêu cực trong đó cách thức ứng phó dựa vào nội lực như lập kế hoạch, chủ động tìm giải pháp, thay đổi nhận thức được sử dụng thường xuyên nhất. Chấp nhận là cách ứng phó sử dụng nhiều hơn cả, tiếp đến là chiến lược tự sao nhãng, thứ ba là chiến lược tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài. Tự đổ lỗi, tự chỉ trích và từ bỏ cố gắng là cách ứng phó người chăm sóc sử dụng ít nhất. Người chăm sóc sống ở nông thôn, có trình độ học vấn thấp, làm nghề kinh doanh, có trẻ bị bại não mức độ nặng, mức độ cải thiện bệnh ít, có gánh nặng chăm sóc nhiều, có khuynh hướng tự đổ lỗi, tự chỉ trích bản thân nhiều hơn. Điều chú ý là người chăm sóc nói theo Phật giáo có khả năng chấp nhận hoàn cảnh thấp nhất.
- Về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người chăm sóc: Có thể cỡ mẫu nhỏ, chưa mang tính đại diện mà kết quả điều tra của chúng tôi không thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân của người chăm sóc, các thể bại não, mức độ khiếm khuyết chức năng vận động thô, mức độ tiến triển của bệnh với nguy cơ mắc trầm cảm, lo âu ở người chăm sóc. Bên cạnh đó, luận án cũng chỉ ra người chăm sóc của trẻ bị bại não đã lâu, trẻ bại não được đến trường ít nguy cơ mắc trầm cảm và lo âu hơn người chăm sóc của trẻ mới bị bại não, của trẻ bại não không được đi học. Gánh nặng chăm sóc trẻ mà chủ yếu là gánh nặng từ chính bản thân người chăm sóc, chứ không phải gánh nặng từ gia đình và cộng đồng, có ảnh hưởng lớn nhất đến tình trạng sức khỏe tâm thần của họ.
Cách thức ứng phó lành mạnh tác động nhỏ, còn chiến lược ứng phó không lành mạnh lại tác động lớn đến nguy cơ mắc trầm cảm và lo âu của người chăm sóc. Khám phá ban đầu trong luận án cho thấy cách ứng phó kiểu tự đổ lỗi, tự chỉ trích bản thân và tránh né tác động lớn đến sức khỏe tâm thần của người chăm sóc, có thể làm gia tăng tác động tiêu cực của gánh nặng chăm sóc lên sức khỏe tâm thần của họ. Tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài như hỗ trợ đồng đẳng của Hội Gia đình Trẻ Bại Não Việt Nam, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho trẻ, cung cấp bảo hiểm y tế, dịch vụ phục hồi chức năng cho trẻ có thể làm giảm tác động của gánh nặng chăm sóc lên sức khỏe tâm thần của người chăm sóc.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Hội Gia đình Trẻ Bại não Việt Nam, các nhà chuyên môn và nhà quản lý trẻ bại não có thể sử dụng kết quả nghiên cứu làm bằng chứng về nhu cầu cao trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người chăm sóc trẻ bại não, để định hướng các hoạt động hỗ trợ, can thiệp cụ thể giảm nguy cơ mắc rối loạn tâm thần phổ biến, tăng chất lượng cuộc sống của người chăm sóc trẻ bại não.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Nghiên cứu có so sánh, đối chứng với quần thể người chăm sóc trẻ không bị bại não để khẳng định mối quan hệ nhân quả liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần của người chăm sóc; nghiên cứu ứng dụng xây dựng gói can thiệp và đánh giá hiệu quả can thiệp cải thiện sức khỏe tâm thần cho người chăm sóc.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án: