Trường ĐH Giáo dục với 20 năm phát triển mô hình đào tạo giáo viên liên thông

Ngày 15/11/2011, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ nhất về đổi mới đào tạo giáo viên với chủ đề “Trường ĐH Giáo dục -20 năm phát triển mô hình đào tạo giáo viên liên thông”.

GS. Nguyễn Quý Thanh Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo

Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh phát biểu đề dẫn đổi mới đào tạo giáo viên –một số đánh giá ban đầu và đề xuất. Trong đề dẫn GS.Nguyễn Quý Thanh đề cập các thành tố: giỏi chuyên môn, công nghệ, phương pháp sư phạm, kết hợp với nội dung lồng trong phương pháp, phương pháp lồng trong công nghệ. Mô hình này đã và đang chuyển đổi mô hình đào tạo, nhấn mạnh công nghệ, dạy học và đánh giá thích ứng, ứng dụng công nghệ cao vào dạy học sẽ tăng lượng tương tác.

GS.Nguyễn Quý Thanh cũng nhấn mạnh, trong giáo dục, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Vai trò quan trọng của người thầy cũng được đại thi hào Ta-go diễn tả trong câu nói nổi tiếng của mình: “Giáo dục một người đàn ông được một con người. Giáo dục một người đàn bà được một gia đình. Giáo dục một người thầy được cả một thế hệ”.

Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu mới của khoa học giáo dục vào đào tạo Giáo viên. Nơi có mô hình đào tạo giáo viên khác biệt, lần đầu tiên có ở Việt Nam (mô hình a+b).

GS.TS. Hee Chan Lew Giám đốc Đại học Giáo dục Quốc gia Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong việc đào tạo giáo viên liên thông trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phương pháp dạy học STEM, đây được coi là một trong những chìa khóa góp phần tạo nên những công dân toàn cầu, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nhân lực của thế giới hiện đại, một thế giới không còn thật sự ràng buộc về vị trí đía lý, một thế giới của khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Ở tầm cơ sở giáo dục, STEM đã thực sự tạo ra một làn sóng mới trong hoạt động đổi mới phương pháp dạy, đổi mới kiếm tra đánh giá, hay nói xa hơn đổi mới toàn diện trường học.

GS. Bruno Poucet, Đại học Picardie, Pháp chia sẻ phương pháp đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm ở Pháp, từ sự hình thành IUFN đến INSPE (1991 -2019).

GS Bruno Poucet nhấn mạnh, ở Pháp giáo viên dạy THPT được chú trọng hơn so với giảng viên dạy đại học, bởi vì lứa tuổi của THPT cần được đào tạo bài bản chuyên sâu về cả chuyên môn, kiến thức lẫn tâm lý, hành vi, định hướng tương lai cho các em nhiều hơn.

Sau phiên toàn thể hội thảo chia thành từng chủ đề ở 2 tiểu ban:

Tiểu ban 1: Các vấn đề học đường trong đổi mới đào tạo giáo viên bao gồm các tham luận đến từ Trường ĐH Giáo dục, ĐH Cần Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và một số chuyên gia từ các Doanh nghiệp như: Sử dụng phần mềm hình học động trong dạy học toán phổ thông tại Việt Nam; Phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên tiếng Anh cấp THPT tại một số tỉnh Đồng bằng song Cửu Long; Triển khai giáo dục STEM tại trường THPT, THCS một số trường hợp nghiên cứu; Đổi mới hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên các trường THPT vùng dân tộc thiểu số, miền núi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Tiểu ban 2 với chủ đề tham luận: Tương lai của giáo dục Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kỹ năng và vai trò của giáo dục trong thế kỷ 21, những vấn đề về quản lý giáo dục và quản trị nhà trường do các chuyên gia đến từ Trường ĐH Giáo dục và một số tham luận từ các trường đại học trên thế giới.

Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về đổi mới đào tạo giáo viên với chủ đề “20 năm phát triển: Mô hình đào tạo giáo viên liên thông” được tổ chức với mong muốn tạo một không gian trao đổi, giao lưu học thuật về những nghiên cứu mới về mô hình đào tạo Giáo viên. Đồng thời góp phần vào đổi mới hoạt động giảng dạy, đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng các yêu cầu mới.

Khoa Sư phạm, tiền thân của Trường Đại học Giáo dục, được thành lập theo Quyết định số 1481/TCCB ngày 21/12/1999 của Giám đốc ĐHQGHN. Việc thành lập Khoa Sư phạm đánh dấu sự ra đời một mô hình đào tạo giáo viên mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam - mô hình đào tạo mở hướng tới sự liên thông, liên kết trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Để ghi nhận và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 441/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 4 năm 2009 thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm. Trường Đại học Giáo dục đã trở thành thành viên thứ 6 trong ngôi nhà chung ĐHQGHN.

Từ một tổ chức tinh gọn (2 phòng chức năng, 4 bộ môn), vận hành theo cơ chế mở, linh hoạt, huy động được sức mạnh tổng hợp trong và ngoài ĐHQGHN nhưng thực hiện được khối lượng lớn các hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đơn vị cũng như của toàn ĐHQGHN. Đến nay, Trường ĐH Giáo dục có 7 phòng chức năng, 5 khoa đào tạo, 5 trung tâm nghiên cứu ứng dụng & triển khai và có trường thực hành sư phạm (Trường THPT Khoa học Giáo dục).

Các chương trình đào tạo (CTĐT) giáo viên liên thông của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGH: Từ 8 chương trình đào tạo ban đầu , đến nay Nhà trường triển khai đào tạo 31 chương trình gồm: 16 CTĐT đại học, 11 CTĐT thạc sĩ và 4 CTĐT tiến sĩ. Đến thời điểm hiện tại, Trường đã hoàn thiện cơ cấu đào tạo giáo viên cho tất cả các bậc học từ mầm non tới tiểu học, THCS, THPT và rất nhiều ngành/chuyên ngành mới về khoa học giáo dục như: Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục, Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ Giáo dục, Đo lường và đánh giá trong giáo dục… Đây là những chương trình mới, ở Việt Nam chỉ được đào tạo duy nhất tại trường ĐH Giáo dục. Với các chương trình Sư phạm KHTN và Sư phạm Lịch sử - Địa lý (tích hợp) cho chương trình phổ thông mới, trường ĐH Giáo dục cũng là một trong các đơn vị tiên phong triển khai.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Thùy Dương - VNU Media

03:11 15/11/2019

Sự kiện

    Trường đại học giáo dục
    Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thủy
    Điện thoại: (024) 7301 7123
    Email: education@vnu.edu.vn
    © UED. All Rights Reserved. Quay trở lại website cũ
    Baidu
    map