Thí sinh đang chuẩn bị làm bài thi trong ca thi buổi chiều ngày 01/6/2015 tại Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN
(Ảnh: Trần Quốc Toản)
Trong buổi sáng, 5706/5902 thí sinh đã có mặt đểdự thi đánh giá năng lực, chiếm 96,68%. So với các buổi thi trước đó, con số này vẫn ổn định ở mức hơn 96%. Có 2 thí sinh tại các cụm thi ở Hà Nội bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi. Hội đồng đã yêu cầu giám thị nhắc nhở thêm thí sinh cần tuân thủ quy chế thi để không xảy ra tình huống tương tự.
Nếu như trong chiều ngày 31/5/2015, có 12 thí sinh phải chuyển sang ca thi tiếp theo trong đó có 1 thí sinh ở Nghệ An phải chuyển ca vì lý do sức khỏe thì đến sáng ngày 1/6, chỉ có 6 trường hợp. Như vậy, có thể thấy số thí sinh phải chuyển sang ca tiếp theo đã giảm rõ rệt.
Chiều ngày 1/6, lượng thí sinh có mặt để dự thi chiếm 96,71% và theo thông tin ban đầu chưa có thí sinh nào phải chuyển ca thi.
Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn – Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh vào ĐHQGHN năm 2015 cho biết, đến hết ngày 1/6, 7/21 điểm thi ở Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa và Thái Nguyên đã kết thúc việc thi do số lượng thí sinh dự thi ít hơn. Sáng mai (2/6) là ngày thi cuối theo lịch, sẽ chỉ còn 14 điểm thi tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
Theo thống kê của ĐHQGHN tại 1 cụm thi với 3 điểm thi ở Hà Nội, sau 2 ngày thi 30, 31/5/2015 (4 ca thi), trong tổng số 5019 thí sinh dự thi, người đạt điểm cao nhất là 124 điểm; số thí sinh đạt điểm trung bình (70 điểm) trở lên chiếm 75,6%.
Tại điểm thi ở Đà Nẵng, kết thúc ngày hôm qua (31/5), trong số 198 thí sinh dự thi, người đạt điểm cao nhất là 121 điểm và có 77,8% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên.
Đặc biệt, sau 3 ngày thi (30,31/5 và 1/6), không có sự cố về an ninh, điện; hệ thống mạng máy tính, phần mềm thi Đánh giá năng lực vẫn vận hành ổn định.
Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhận định, sau 3 ngày thi của kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, ĐHQGHN tin rằng việc tổ chức thi, bộ đề thi, hệ thống phần mềm…có thể áp dụng trên diện rộng với số lượng thí sinh lớn hơn. Tuy nhiên, quy mô áp dụng lớn đến đâu còn tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất như máy tính, phòng ốc…
Ngày 2/6/2015,các thí sinh sẽ tiếp tục dự thi đánh giá năng lực tại 14 điểm thi còn lại.
Thí sinh sau khi làm bài thi ca sáng tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (Ảnh: Võ Thị Minh Trang)
Kết quả bài thi ĐGNL có giá trị dùng để đăng ký dự tuyển vào ĐHQGHN trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm phiếu ĐKXT, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có), một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh. Lệ phí đăng ký xét tuyển là 30.000 đồng/hồ sơ. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 8/6/2015 đến 16h30 ngày 25/6/2015 (đợt 1), từ ngày 10/8/2015 đến 16h30 ngày 25/8/2015 (đợt 2). Thí sinh có 3 nguyện vọng đăng ký vào các chương trình đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong ĐHQGHN. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung. |
Bùi Thị Vui - Ảnh: Trần Quốc Toản, Võ Thị Minh Trang - VNU Media